Căn hộ hiện đại theo phong cách tối giản

Chủ nhân căn hộ mong muốn xây dựng tổ ấm theo phong cách tối giản, hiện đại, loại bỏ thiết kế phụ, giúp không gian thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Đối ngược với trường phái cổ điển, hoàn thiện kiến trúc bằng những chi tiết cầu kỳ, đường nét tinh xảo, kiến trúc Minimalism tự hoàn thiện bằng sự giản lược, hay còn được biết đến với tôn chỉ Less Is More. Đi tìm khái niệm hoàn mỹ từ sự tinh giản.

Tại Việt Nam, trường phái này đang rất được ưa chuộng cho những căn chung cư diện tích trung bình của các cặp vợ chồng trẻ hoặc gia đình hạt nhân. Sự tối giản tạo cho gia chủ kích thước ảo lớn hơn nhiều so với diện tích thật, bởi những đồ vật cùng xu hướng bài trí đã “đánh lừa” không gian, khiến căn hộ rộng rãi và thoáng đãng hơn nhiều.

Phong cách Minimalism tối ưu hóa không gian sống

Đồ vật trơn, nhẵn, loại bỏ góc cạnh thường được ưu tiên sử dụng cho căn hộ theo phong cách này. Đó là nét thẳng, phẳng, dứt khoát của hệ đảo bếp, là bề mặt láng phẳng của sofa hay nét mạnh mẽ của miếng đá bàn trà… tạo nên sự hài hòa, tinh tế.

Không gian tuy mở, nhưng biệt lập về mặt chức năng, giúp các thành viên dễ dàng kết nối, nhưng vẫn đủ riêng tư để “chiều lòng” từng cá nhân. Bên cạnh đó, kiến trúc sư ưu tiên sử dụng vật dụng đa chức năng, giúp tối ưu diện tích mà vẫn đảm bảo tính năng sử dụng. Hệ TV hiện diện bằng cách trượt mở mảng tường trắng với sự góp mặt của vật liệu gỗ láng mịn. Mảng trượt đóng lại, nhường chỗ cho một khối phẳng trắng sáng, dàn trải và mênh mang, thể hiện rõ thông điệp “Less is More” của Minimalism.

Tinh thần tối giản tiếp tục khơi gợi nguồn cảm hứng của những tone màu trung tính. Tại đây, kiến trúc sư sử dụng màu trắng làm nền cho tone gỗ màu nâu trầm, tạo nên nét nhấn nhá rất duyên, lại có tác dụng phân chia khối lớn, hướng sự chú ý của người quan sát đến những chi tiết quan trọng.

Chú trọng đến sự hiện diện của thiên nhiên thông qua ánh sáng, người kiến tạo thể hiện sự tinh tế khi tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao, nhằm tôn lên hình khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác. Ánh sáng tự nhiên tràn vào nhà qua khung cửa, tưởng “vô tình” nhưng lại là sự tính toán có chủ đích, nhằm tạo yếu tố hẩm mỹ trong không gian.

Tone nâu trầm vẫn là màu sắc chủ đạo cho nội thất khu vực phòng ăn

Điều đặc biệt gây phấn khích khi đứng trực tiếp trong căn hộ và cảm nhận, là dạng thức thể hiện của vật liệu trong phong cách Minimalism. Kể từ đây, màu sắc và chất liệu sử dụng đã đạt được nét ‘’tinh’’. Việc sử dụng những vật liệu màu trơn với cảm nhận phần bề mặt siêu lì ‘’super matte’’ không phản xạ ánh sáng khiến không gian “mịn” và cảm quan về sự “êm”.

Càng khám phá kỹ về vật liệu trong căn hộ này, người quan sát càng tăng thêm phần thích thú trước sự khéo léo của nhà thiết kế. Các mảng nền trắng trên tường, trên các hệ thùng tủ và cánh tủ là sự thể hiện của vật liệu siêu mịn Baby Skin Acrylic – BSA – dạng vật liệu có độ mịn cao bất chấp thời tiết và chống trầy xước vượt trội, rất khó bám bẩn, đặc biệt không bám dính vân tay – góp phần tạo ra một không gian nội thất tối giản rực rỡ và đẳng cấp.

Vật liệu ưu việt đã giữ nguyên màu sắc và đón nhận ánh sáng xung quanh, tản sáng và dàn trải ánh mịn màng trên khắp bề mặt nội thất. Ngoài nhiệm vụ làm điểm nhấn, vật liệu Gỗ với màu sắc và sự mềm mại của vân gỗ đã khơi gợi lại nét ấm áp rất cần có trong một không gian nhà ở, kết hợp cùng chất da thông qua màu nâu cùng tông của sofa, của ghế bàn ăn hay chiếc ghế thư giãn be nhẹ nhàng, tất cả đã như một bản hoà sắc, cùng tạo ra một không gian ‘’rất Minimalism’’.

Một thiết sẽ tối giản khi chính chủ nhân ngôi nhà hiểu rõ được bản ngã của mình, hiểu rõ điều mình mong muốn. Đó là cá tính, là sở thích, là thói quen, và là cả sự chiêm nghiệm. Kiến trúc sư sẽ là người chuyển hoá tất cả những điều này bằng ngôn ngữ của thiết kế nội thất, gửi gắm thông điệp của ‘’Tối giản’’ vào tinh thần của căn hộ. Và cuối cùng, chủ nhân sẽ thực sự gắn bó với căn nhà, trong một không gian thực sự là Minimalism – Less is more.