Kiến trúc – Nội thất: Nghệ thuật tổ chức không gian từ bên trong

Kiến trúc Nội thất (KTNT) là một khoa học liên ngành xuất hiện vào các thập niên cuối thế kỷ 20. Tại các nước phát triển, KTNT đã được đào tạo chủ yếu trong các cơ sở đào tạo kiến trúc – xây dựng hoặc các trường kiến trúc. Điều này cũng thể hiện có sự khác biệt nhất định với ngành nội thất thường được đào tạo trong các trường nghệ thuật và mỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phân biệt rõ ràng các ngành học kiến trúc, nội thất và kiến trúc nội thất còn có những cách hiểu khác nhau.

Kiến trúc được định nghĩa như là một ngành khoa học kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của công nghệ xây dựng, các nhu cầu của xã hội mà các trường phái kiến trúc xuất hiện, phát triển rất đa dạng…Tuy nhiên, tính nghệ thuật của tổ chức hình khối không gian luôn là đặc điểm cơ bản của kiến trúc trong so sánh với các loại hình nghệ thuật khác. Nói cách khác, hình khối, không gian là ngôn ngữ biểu đạt cảm xúc của kiến trúc. Hình khối và không gian là 2 thành phần khác nhau, nhưng luôn song hành cùng với nhau. Tác động vào hình khối của vật thể cũng dẫn đến thay đổi cả không gian bên ngoài và bên trong của vật thể đó.

Nghệ thuật kiến trúc thường lấy các sáng tạo của hình khối và bề mặt của khối làm ngôn ngữ diễn đạt ý tưởng chính của mình.

Nội thất thường được hiểu là phần không gian bên trong của công trình, được tạo thành bởi các mặt phẳng tạo ra hình khối kiến trúc bên ngoài. Khái niệm thiết kế nội thất thường được hiểu như việc trang trí, hoàn thiện cho không gian bên trong công trình kiến trúc, giúp việc tổ chức sinh hoạt hoặc các hoạt động xã hội được tiện nghi hơn, có chất lượng thẩm mỹ và nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, tại các nước phát triển, thiết kế nội thất đang phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội đối với không gian bên trong công trình: Đó là khả năng linh hoạt, thích ứng với nhiều biến động chức năng, nhu cầu biểu đạt cảm xúc cao của không gian nội thất, cũng như tính độc đáo của không gian được tạo ra như một tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật và cuối cùng chính là xu hướng phát triển bền vững trong kiến trúc thông qua việc tái sử dụng có hiệu quả các không gian sẵn có cho các chức năng mới…Những mong muốn nêu trên đòi hỏi cần có thêm công cụ mới có các tính năng mạnh mẽ hơn trong kiến tạo không gian – Đó chính là ngành Kiến trúc nội thất, cho phép tạo ra ý tưởng không gian nội thất bên trong công trình ngay từ giai đoạn đầu của thiết kế.

Khái niệm kiến trúc nội thất

Thuật ngữ “Kiến trúc nội thất” xuất hiện vào những năm 1970 với vai trò là một ngành học mới, sử dụng những nguyên tắc thẩm mỹ kiến trúc và khoa học kỹ thuật xây dựng trong thiết kế và sáng tạo không gian nội thất. Điều này cho phép khắc phục được những hạn chế của việc tư duy thiết kế kiến trúc dựa trên các hình khối và mặt đứng công trình.

KTNT được hiểu là một khoa học tổ chức không gian kiến trúc dựa trên cơ sở của những tác động từ bên trong, được thể hiện ra bên ngoài, do đó nó có có thể làm sâu sắc và nổi rõ hơn sự tổng hòa của ý tưởng thiết kế không gian bên trong nhà với hình khối kiến trúc được nhận thức từ bên ngoài.

Các yếu tố và thành phần của kiến trúc nội thất

KTNTquan tâm chủ yếu tới việc tổ chức và cấu trúc không gian bên trong công trình sao cho đạt được các ý tưởng nghệ thuật mong muốn. Chính vì vậy, các nguyên tắc, quy luật của kiến trúc và nghệ thuật thị giác được sử dụng để tổ chức không gian cũng được áp dụng cho các thành phần của nội thất.

Địa điểm: Thường là một vị trí, được xác định bằng các chỉ số vật lý, song đó cũng là một không gian với nhiều quy mô khác nhau, chứa đựng các cảm xúc lịch sử được chồng lớp theo thời gian. Như vậy, KTS nội thất khi thiết kế phải nắm bắt được tinh thần của địa điểm, nhằm tạo ra các không gian bên trong chứa đựng các cảm xúc và màu sắc của lịch sử, thời gian.

Các loại hình mặt phẳng 2 chiều: Mặt bằng, sàn, tường, trần…là các thành phần bao bọc và xác định không gian. Việc sắp xếp, bố trí các mặt phẳng tác động trực tiếp tới sự hình thành các hình thái không gian khác nhau, tác động tới cảm xúc của người bên trong không gian đó. Các lỗ thủng (rỗng) trên mặt phẳng giúp tập trung, thay đổi hướng nhìn của không gian bên trong hoặc hướng ra bên ngoài. Các lỗ rỗng đặc biệt quan trọng với vai trò liên kết các không gian theo một ý tưởng xác định. Hiện nay độ dày của cấu trúc mặt phẳng đã thay đổi đa dạng từ độ dày (truyền thống) sang rất mỏng (hiện đại)…giúp thuận lợi hơn trong việc tạo ra các vỏ bọc không gian như mong muốn.

Tỷ lệ: Là mối quan hệ của các yếu tố thiết kế, ảnh hưởng rất lớn tới cảm nhận về không gian. Đặc biệt là chiều cao vì nó liên quan tới cách chiếu sáng, mà ánh sáng lại là chất liệu xác định không gian.

Hướng nhìn Vista: Giúp liên kết trong ngoài công trình, tạo điểm nhấn mạnh mẽ nhờ tập trung hướng nhìn hoặc mượn cảnh từ bên ngoài (Nội thất – ngoại thất). Bên cạnh đó là thủ pháp mượn không gian cho phép mở rộng giới hạn vật lý của nội thất.

Thành phần giao thông: Các tuyến giao thông, trong đó có hành lang, cầu thang được kết hợp tạo ra các chuyển động trong nội thất. Trong nhiều trường hợp, các không gian lớn được “ điêu khắc“ bởi các thành phần này.

  • Kết cấu: Kết cấu (structure) công trình là sự sắp xếp của các bộ phận khác nhau của công trình xây dựng; kết cấu bao che (fabric) của công trình xây dựng thường là các mặt phẳng phân cách không gian như tường, trần , sàn …; kết cấu chịu lực như tường chịu lực (loadbearing wall), kết cấu cột – dầm (post-and-beam); kết cấu khung chịu lực (frame, sử dụng thép hoặc BTCT); kết cấu cột và bản sàn, bản BTCT (column-and-slab)…là những thành phần thuộc kết cấu xây dựng quan trọng đối với độ bền vững của công trình.
  • Vật liệu và chất cảm vật liệu: Khi nói đến vật liệu, thường phải đề cập tới 2 đặc tính của nó là các tính chất vật lý (cứng, mềm, dẻo, kích thước, màu sắc…) và chất cảm là tính chất của vật liệu tác động vào cảm xúc trong thụ cảm thị giác. Ví dụ đá trơn, đá sần, kính, mặt nước, bê tông, gạch gốm, kim loại…luôn gây ra các cảm xúc nặng nhẹ, xa gần khác nhau…từ đó tác động tới tâm sinh lý con người. Chính vì vậy việc sử dụng vật liệu trong nội thất không chỉ là sự bền vững mà còn là những cảm xúc do nó gây ra trong không gian.
  • Ánh sáng/Chiếu sáng và mầu sắc: Là những thành phần rất quan trọng trong tạo hình không gian nội thất. Việc xác định các đặc điểm của chiếu sáng tự nhiên nhằm tạo môi trường sống cũng như chính là chất liệu tạo không gian bên trong công trình. Hướng chiếu sáng cũng như cường độ sáng là một chất liệu của nghệ thuật tạo không gian, tác động mạnh mẽ vào tâm sinh lý của người trong không gian đó, nêu bật chủ đề, ý tưởng nghệ thuật của thiết kế.

Kiến trúc nội thất – nghệ thuật sáng tạo không gian từ bên trong

Kiến trúc và kiến trúc nội thất là hai ngành có nhiều đặc điểm gần gũi với nhau. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở việc khai thác và kết hợp các thành phần và yếu tố tác động nằm ở bên ngoài hay bên trong công trình. Những tác phẩm kiến trúc đỉnh cao thường có sự hài hòa giữa các ý tưởng tổ chức không gian bên trong với hình khối bên ngoài nhằm truyền đạt các tư tưởng văn hóa – xã hội một cách rõ ràng thông qua ngôn ngữ của hình khối và không gian.

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi có hình khối bên ngoài là một mặt cầu lớn, đơn giản và mạnh mẽ. Nhưng không gian bên trong lại rất đa dạng, uyển chuyển, mềm mại nhờ nghệ thuật chiếu sáng tự nhiên, nhân tạo kết hợp với sự phản xạ của mặt nước…giúp tạo ra sự huyền ảo, bất định của không gian. Trong công trình này, ánh sáng là một chất liệu quan trọng để tạo không gian.

Bên cạnh khả năng giúp phát triển ý tưởng kiến trúc, KTNT còn có khả năng sáng tạo và tạo hình không gian trong lòng đất, nơi không có hình khối bên ngoài cũng như các mặt đứng bao quanh.

Ngày nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề tài nguyên, môi trường và chất thải đang và sẽ là những vấn đề quan trọng tác động tới sự phát triển bền vững của con người. Các xu hướng kiến trúc đương đại luôn phản ánh các yêu cầu đó. Bên cạnh các vấn đề tái chế, tái sử dụng và tái tạo, KTNT là một lĩnh vực của kiến trúc bền vững thông qua việc chuyển đổi chức năng các công trình kiến trúc giúp kéo dài tuổi thọ kết cấu và chức năng sử dụng công trình.

Kết luận

Về lý thuyết và thực tiễn, KTNT là một ngành mới, mang một trọng trách trong xu hướng kiến trúc bền vững. Đây có thể coi là một trong những vai trò quan trọng của KTNT trong so sánh tương quan với các hoạt động kiến tạo không gian của các ngành khác.

Để thực hiện được điều này, các KTS nội thất phải có khả năng phân tích địa điểm, công trình và môi trường xung quanh, có các kiến thức về lịch sử, văn hóa cũng như xu hướng phát triển của kinh tế-xã hội.

KTNT và kiến trúc luôn gắn bó chặt chẽ với nhau như 2 mặt của một vấn đề, như phần âm và dương của cấu trúc hình nền, và luôn có những tác động qua lại lẫn nhau, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đạt tới chất lượng nghệ thuật như mong muốn.

Tuy nhiên, KTNT cũng có những đặc điểm sau:

  • Quan tâm chủ yếu tới không gian, cấu trúc không gian bao bọc các khu vực chức năng bên trong công trình. Các cấu trúc không gian có thể trở thành các ý tưởng định hình cho thiết kế kiến trúc công trình;
  • Các hoạt động nghề nghiệp của KTNT chủ yếu tác động vào không gian bên trong công trình như một đối tượng chính của sáng tạo;
  • KTNT sử dụng các giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác…) nhằm tạo ra chất lượng môi trường không gian bên trong;
  • Đặc biệt, KTNT sử dụng ánh sáng như một chất liệu xác định không gian và tính chất tâm sinh lý trong không gian đó, qua đó tạo hiệu ứng nghệ thuật tổ chức không gian. Vật liệu, chất cảm vật liệu và mầu sắc là những thành phần quan trọng hình thành các ý tưởng không gian.

Hiện nay, Việt Nam đang là một nước có nền kinh tế thị trường, phát triển nhanh chóng về kinh tế, dẫn đến các hoạt động chức năng trong các công trình cũng luôn có biến động. Ngoài ra, nhu cầu thẩm mỹ của người dân đòi hỏi ngày càng cao…sẽ luôn là động lực giúp phát triển mạnh mẽ ngành KTNT.

Khi chất lượng sống càng được nâng cao thì tính chuyên nghiệp, đồng bộ trong tổ chức không gian nội thất sẽ là sự đòi hỏi thiết yếu cho môi trường sống, làm việc của con người. Yêu cầu khách quan nêu trên cũng chính là động lực cho đào tạo và phát triển của ngành KTNT.

Link bài viết: https://www.tapchikientruc.com.vn/dao-tao/kien-truc-noi-that-nghe-thuat-to-chuc-khong-gian-tu-ben-trong.html